Rượu Gia Truyền Đặc Sản Thanh Hóa
Theo các cụ cao niên ở xã Cầu Lộc, cho biết: từ thời phong kiến cho đến thời Pháp thuộc, xã Cầu Lộc được biết đến với nghề truyền thống sản xuất đặc sản rượu quê thơm, ngon, tinh khiết, chuyên cung cấp cho các tầng lớp quan lại trong triều đình và các “quan Tây”. Thời “hưng thịnh”, toàn xã có tới 90 đến 95% hộ gia đình sinh sống bằng nghề nấu rượu để kiếm lời, đồng thời tận dụng nguồn bã rượu để phát triển chăn nuôi lợn thịt. Thu nhập từ nghề đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định đời sống nhân dân địa phương.
Trong những năm cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước diễn ra ác liệt, cả nước cùng nhau thực hiện khẩu hiệu “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, nhân dân huyện Hậu Lộc tích cực huy động sức người, sức của cho chiến trường miền Nam. Trên phạm vi toàn miền Bắc nói chung và Cầu Lộc nói riêng, nghề nấu rượu bị cấm sản xuất để tiết kiệm lúa, gạo. Theo đó, thương hiệu rượu Cầu Lộc bị mai một dần, trong xã chỉ còn một số hộ nấu rượu “chui” phục vụ cho sinh hoạt trong gia đình. Sau ngày hòa bình, một số hộ dân quay trở lại sinh sống bằng nghề, nhưng nhu cầu của thị trường không còn, dân xã Cầu Lộc muốn giữ nghề phải bươn chải, đem hàng đi bán rong, bán cất cho các hàng quán trong huyện và các huyện lân cận.
Gần đây, thực hiện chủ trương về chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khôi phục lại ngành nghề truyền thống ở các địa phương, nhằm giải quyết việc làm cho nhân dân, huyện Hậu Lộc đã khôi phục lại thương hiệu rượu Cầu Lộc và lấy tên gọi là rượu Chi Nê (tên một làng cổ ở xã Cầu Lộc). Những gia đình còn giữ được kinh nghiệm chưng cất rượu truyền thống đã được chọn đưa đi tập huấn công tác vệ sinh an toàn thực phẩm. Nguồn nước sử dụng nấu rượu cũng được đưa đi kiểm tra, phân tích, đáng giá kỹ lưỡng.
Theo nhiều gia đình ở Cầu Lộc cho biết, rượu Cầu Lộc có được hương vị đặc biệt là do nguồn nước và men dùng để ủ rượu. Nguồn nước để nấu rượu được lấy từ nguồn nước ngầm chảy từ các khe núi ở các làng Thiều Xá, Đông Thôn, Cầu Thôn trong xã. Nguồn nước tinh khiết, trong mát, không có độc tố kết hợp với loại men gia truyền làm bằng 36 vị thuốc bắc do người dân tự chế đã tạo mùi thơm, vị ngọt, cay riêng biệt cho rượu Cầu Lộc.
Ông Trịnh Văn Dân, 65 tuổi, một nông dân chuyên sản xuất rượu cung cấp cho Công ty cổ phần thương mại Hậu Lộc, cho biết: Để chưng cất đặc sản rượu Chi Nê cần phải tuân thủ theo đúng quy trình kỹ thuật từ khâu chọn gạo ngon, nấu cơm phải vừa chín đến, không được để bén hay sống lõi. Sau đó dỡ ra nong để thật nguội, men thuốc bắc phải giã nhỏ, trộn đều với cơm và bỏ vào chum sành để ủ. Ngoài ra, cần phải có kinh nghiệm dự đoán thời tiết để điều hòa độ ẩm, pha nước khi ủ cơm, nếu là mùa hè cần tạo được không khí thoáng mát, mùa đông phải ấm, không được để lạnh. Khi ủ cơm đến độ chín nhừ mới được đưa ra chưng cất. Làm như vậy thì rượu mới được nước mà thơm, ngon. Sau khi chưng cất, rượu thành phẩm được ủ ở hầm rượu từ 6 tháng đến một năm rồi đưa lên lọc, xử lý độc tố và đóng chai trên dây truyền hiện đại của Cộng hòa liên bang Đức.
Hiện nay, rượu Cầu Lộc không chỉ có mặt trong các siêu thị, hệ thống nhà hàng, khách sạn ở các địa phương trong tỉnh, mà đã vươn ra các tỉnh, thành bạn như: Hà Nội, Nghệ An, Quảng Nam, Ninh Bình, Hải Phòng ... Đa số khách hàng khi dùng rượu Cầu lộc đều chấp nhận ngay từ lần đầu, bởi rượu rất thơm, ngon, dễ uống, có vị ngọt để lại trên môi, khi uống quá chén không bị đau đầu. Đặc biệt, gần đây sản phẩm rượu Cầu Lộc đã được chọn đưa đi Triển lãm - hội chợ xuất nhập khẩu hàng tiêu dùng năm 2006 tại Hà Nội và được trao tặng danh hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao. Tuy nhiên, về lâu dài, để thương hiệu rượu Cầu Lộc vươn xa hơn nữa, HTX rượu Cầu lộc cần chú ý tới việc mở rộng phát triển làng nghề, gắn với ứng dụng khoa học công nghệ.
Có như thế, Cầu Lộc không chỉ giữ được nghề truyền thống mà còn tạo được việc làm, thu nhập cho nhiều người dân địa phương.